BV29: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini – thuộc Nepal), nơi Đức Phật đản sinh

lumbini-welcome

Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc vùng Rupandehi phía Tây Nam của Nepal, giáp biên giới Ấn Độ, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa (nay là Kapilavastu) khoảng 25 cây số về hướng Đông, cách biên giới Ấn – Nepal 36 cây số và cách thủ đô Nepal Kathmandu 320 cây số. Nơi đây đã có một thời gian lâu dài bị lãng quên. Mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher [1] mới khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka), mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn. Trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên nền nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo trì Lâm Tỳ Ni bắt đầu từ đấy.

Kết quả hình ảnh cho lumbini

Như trong kinh kể lại, hoàng hậu Ma Da, vợ vua của Tịnh Phạn (Suddhodana), người trị vì vương quốc nhỏ của dòng tộc Thích Ca (Sakya), họ Cồ Đàm (Gotama), phía Bắc Ấn Độ, sau khi nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà theo luồng ánh sáng bay đến nhập vào thân thể bà, khiến bà thụ thai. Theo đúng cổ tục của Ấn Độ, khi gần đến ngày sinh, Hoàng hậu có xin phép Đức Vua cho mình trở về quê nhà để sinh nở. Khi đi đến vườn Ngự Uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác xứ Ấn Độ, cách thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) khoảng 15 km, bà cho đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Khi đi dạo quanh vườn, hoàng hậu bỗng nhiên nhìn thấy một đóa hoa Vô Ưu màu trắng tuyệt đẹp nở trên một thân cây cổ thụ gần đó, bà giơ tay trái ra định hái nhưng ngay lúc đó, bào thai bỗng chợt động và hoàng tử được hạ sinh ngay từ bên nách trái của bà. Ngay khi vừa chào đời, hoàng tử đã bước đi bảy bước, mỗi bước có một đóa hoa sen nâng đỡ chân ngài, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói rằng:

Thiên thượng địa hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết chúng sinh
Giai hữu Phật tính.
Nghĩa là:
Trên trời dưới đất
Chỉ có ta là duy nhất
Hết thảy chúng sinh
Đều có tính Phật.
Hoàng tử ra đời khiến cho vua Tịnh Phạn vô cùng vui mừng, đức vua cho mời các thầy đạo sĩ đến coi tướng cho Hoàng tử. Tất cả đều nói rằng, Hoàng tử có đủ cả 32 tướng tốt, trên đời không ai sánh bằng, sau này nếu làm vua thì sẽ trở thành một vị Đại đế còn xuất gia học đạo thì sẽ trở thành bậc Đại Thánh giả. Vì vậy, đức vua liền đặt tên cho Hoàng tử là Tất Đạt Đa, cũng phong người làm Thái tử nối ngôi. Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra được bảy ngày thì Hoàng hậu Ma Da, thân mẫu của ngài qua đời. Ngài được vua cha trao cho bà dì Maha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami) nuôi nấng, dạy dỗ theo lời trăng trối của Hoàng hậu.

Trong thời Đức Phật còn tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp được bao phủ bởi màu xanh và bóng mát, nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Câu Lợi. Vào khoảng năm 249 trước Công Nguyên, vua A Dục đã từng đến thăm Lâm Tỳ Ni, cho dựng lên ở đây bốn cây cột trụ bằng đá, ghi dấu nơi đản sinh của Đức Phật. Đến năm 1986, một nhà khảo cổ học người Anh tên là Cuningham đã khai quật được một trụ đá trong 4 trụ đá được Vua A Dục chôn xuống. Trên trụ đá có ghi: “Vua Piyadasi (A Dục) vào năm trị vì thứ hai mươi đã đích thân tới đây chiêm bái. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đản sinh tại nơi đây, bốn trụ đá đã được dựng để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn được sinh ra. Làng Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật sinh được giảm thuế và tự hưởng tám phần”.
Vườn Lâm Tỳ Ni đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào năm 1997.

lumbini-001a

Trụ đá vua A Dục:

Cột trụ đá có độ cao khoảng từ 5 đến 6 mét, đường kính khoảng nửa mét, được bao quanh bởi hàng rào sắt. Hiện vòng rào sắt cũng bị thời gian làm rỉ sét gần hết. Bên hàng rào, các Phật tử theo truyền thốngPhật giáo Tây Tạng đã khoác lên những lá cờ phướn nhiều màu rực rỡ, làm tôn thêm vẻ bình dị của chiếc cột trụ đá nhiều ngàn năm tuổi. Trên đầu cột trụ đá không có hình gì cả. Trên thân trụ có khắc 5 hàng cổ ngữ Brahmi và bên cạnh, phía bên dưới có tấm bia ghi bằng ba ngôn ngữ: Brahmi, Anh và Pali hay Ấn ngữ cho du khách xem:

Tiếng Brahmi:

Devannapiyena piyadasina lajina-visativasabhisitena.

Atana-agacha mahiyite. Hida Budhe-jate sakyamuniti.

Silavigadabhicha kalapita silathabhe-cha usapapite.

Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate, 

Athabhagiye ca.

Tiếng Anh: “King Piyadasi (Ashoka), beloved of devas, in the 20 year of the coronation, himself made a royal visit, Buddha Sakyamuni having been born here, a stone railing was built and a stone pillar erected to the Bhagavan having been born here, Lumbini village was taxed reduced and entitled to the eight part (only)”. [2]

Cột trụ đá này chỉ rõ cho chúng ta biết chắc chắn chỗ này là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh. Đây là một phát hiện di tích có giá trị lịch sử sớm nhất còn lại đến ngày nay và đoạn văn khắc trên trụ đá có thể được xem là “bản khai sanh” của Thái tử Tất Đạt Đa, là một bằng chứng “sống” về sự kiện nhân vật có thực của lịch sử.

lumbini-002

Đền Mayadevi

Bên cạnh cột trụ đá lịch sử này là đền thờ Hoàng hậu Maya(Mahadevi temple). Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc khá đặc biệt, không giống như bất cứ ngôi đền nào chúng ta từng thấy. Gọi là đền nhưng thực ra chỉ là bốn bức tường sơn mầu trắng bao quanh khu vực khảo cổ, rất đơn giản, cốt để che mưache nắng bảo vệ cho khu vực khai quật tránh bị hư hoại theo thời gian. Bên trong đền là những nền gạch xưa cũ đã được khai quật, những vết tích cổ xưa như phiến đá có in dấu của một bàn chân nhỏ do vua A Dục khắc in, được xác định là vị trí lúc Đức Phật đản sinh, được bảo tồn trong lồng kiếng chắn đạn. Trên bờ tường gạch kế bên, cách mặt đất khoảng 3m là một bức phù điêu bằng đá mô tả sự ra đời của thái tử Tất Đạt Đa qua hình ảnh hoàng hậu Maya đang đứng với lấy một nhánh cây Vô ưu và đang hạ sinh thái tửMặc dầu bức phù điêu này không được các nhà khảo cổ xem là di tích lịch sử, nhưng nó có giá trị sử học theo cách nhìn của các nhà nghiên cứu sử Ấn Độ và Nepal. Họ cho rằng bức phù điêu này được thực hiện bởi vua Ripu Malla, một vị vua theo đạo Hindu, của Nepal vào đầu thế kỷ XIV. Vua Ripu Malla tin rằng hoàng hậu Maya là một hoá thân của nữ thần Hindu. 

Về hướng nam của ngôi đền, cách không xa cột trụ đá, là một hồ tắm. Theo “Phật quốc truyện” của Ngài Pháp Hiển đến Ấn độ khoảng thế kỷ thứ V SCN chép như sau: “Phu nhân nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, tắm trong một hồ nước trong xanh và mát. Sau khi tắm gội xong bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sanh Thái tử.” Cạnh hồ tắm là cây bồ đề mà trước đây là cây Vô ưu

Bên cạnh cây Bồ đề, hồ nước và đền thờ hoàng hậu Maya là một dãy nền móng gạch đỏ nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, đó là di tích Tu viện Lâm Tỳ NiDi tích được xác nhận có bề dày lịch sử từ khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc thế kỷ thứ 4 trước tây lịch. 

lumbini-003

Gần đây nhất, vào năm 1996, các nhà khảo cổ bất ngờ khi khai quật, tìm thấydưới nền đền thờ hoàng hậu Maya một phiến đá có in dấu một bàn chân nhỏ, mà vua A Dục vào năm 249 TCN đã dùng để đánh dấu vị trí nơi sinh của đức Phật. Phiến đá hiện nay được giữ nguyên trạng trong tình trạng khai quật có kích thước 70x40x10 cm và để trong lồng kiếng chống đạn (bulletproof glass) đặt trong đền thờ hoàng hậu Maya, giữa những nền móng khai quật với dòng chú thích: “Maker Stone: The Exact Birth Place of Buddha”. Chứng vật cuối cùng này đã khẳng định rằng đền thờ hoàng hậu Maya chính xác là đền thờ kỷ niệm nơi Đức Phật đã sinh ra và vùng đất này chính là Lâm Tỳ Ni ngày xưa.

Sau khi được các nhà khảo cổ xác nhận các chứng tích lịch sử như cột trụ đá và phiến đá của vua A Dục đào dược dưới nền đền thờ Hoàng hậu Mya, năm 1997, cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là di sản văn hóa của nhân loại và tài trợ chi phí trùng tu và bảo trìkhu di tích lịch sử quan trọng này. Bắt đầu từ đây, phương Tây mới tin rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật. Trước đó họ cho rằng nhân vật Cồ Đàm Gautama chỉ là huyền thoại và giáo pháp của ngài chỉ là tổng hợp các tư tưởng của nhiều nhân vật khác nhau trong lịch sử văn hóa Ấn Độ.

Ngày nay, vườn Lâm Tỳ Ni nằm trong một khu vực rộng lớn, được bao bọc bởi các tu viện, được chia làm hai khu là tu viện phía Đông và tu viện phía Tây, phía Đông là tu viện của Phật giáo Nguyên thủy còn phía Tây là tu viện của Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa. 

Bài viết tham khảo tài liệu từ nguồn thuvienhoasen